Lên 3-4 tuổi, con đột nhiên thay đổi tính nết, hay ăn vạ, gào thét ghê gớm. Đây có lẽ là lời phàn nàn của rất nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Theo các chuyên gia giai đoạn này được gọi là “khủng hoảng tuổi lên 3” ở trẻ, nên việc trẻ xuất hiện những biểu hiện tính cách như vậy là điều bình thường, tùy thuộc vào mỗi trẻ, mỗi gia đình và cách giáo dục của bố mẹ. Vẫn có nhiều trẻ khác không biểu hiện ra ngoài nên bố mẹ có suy nghĩ rằng sao con nhà người ta bằng ấy tuổi mà ngoan, con nhà mình thì hư vậy, đúng cha mẹ sinh con trời sinh tính, và thay vì tìm cách dạy dỗ con tích cực hơn thì không ít các bậc phụ huynh lại dùng đòn roi với trẻ.
- Những sai lầm thường gặp của bố mẹ trong việc giáo dục trẻ
- Kinh nghiệm cho mẹ giúp phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Các bố mẹ hãy tham khảo cuộc trao đổi sau đây giữa một bà mẹ với chuyên gia xoay quanh vấn đề con lên 4 tuổi và hay ăn vạ ghê gớm nhé.
Mẹ bé Bi: “Cháu Bi nhà tôi là con đầu nên được quan tâm chiều chuộng từ bé. Bắt đầu từ khi lên 3 lên 4 thỉnh thoảng hay ăn vạ, và gần đây, cháu liên tục ăn vạ, gào thét ghê gớm.
Khi cháu ăn vạ, gào khóc, không thấy ai nói gì cháu càng gào to hơn. Mỗi lần ăn cơm thường phải gọi và nhắc giục nhiều lần cháu mới chịu vào mâm cơm ăn, chưa kể đến chuyện thỉnh thoảng nhờ cháu lấy giúp vật gì. Vợ chồng tôi đều bất lực trong việc dạy bảo con trai 4 tuổi, vậy làm sao để con nghe lời hơn, không ăn vạ vô cơ như thế nữa ạ?”
Hãy cùng xem tư vấn của chuyên gia Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Quỳnh nhé:
Hành vi trẻ ăn vạ thường làm mọi người trong gia đình bực mình và cảm thấy bất lực. Đặc biệt trong xã hội ngày nay, ông bà bố mẹ thường chiều chuộng trẻ hơn trước, theo đó trẻ sẽ càng ăn vạ hơn để mọi việc theo ý muốn của mình. Việc xử lý hành vi ăn vạ không quá khó khăn nếu người lớn cương quyết cứng rắn, có như vậy trẻ mới dần bỏ được hành vi xấu của mình.
Sau đây là những lời khuyên giúp bố mẹ loại bỏ hành vi ăn vạ, mè nheo, gào thét ở trẻ:
– Có sự thống nhất trước giữa ông bà, bố mẹ và mọi người thân trong gia đình không được chiều chuộng trẻ, cần thực hiện thái độ dứt khoát trước hành vi của trẻ. Khi trẻ sai, chỉ cần duy nhất một người trong gia đình dạy trẻ là điều đó không đúng, những người con lại không được tham gia vào, cũng không được dỗ dành trẻ.
– Khi trẻ la hét, khóc lóc và làm đủ trò để bắt đầu cuộc ăn vạ của mình thì cách tốt nhất là lờ trẻ đi, đừng quan tâm đến trẻ. Nếu trẻ cố bám vào áo của ai đó, nằm lăn ra, đạp chân, định đập phá đồ đạc thì tốt nhất nên để xa đồ đạc khỏi tầm với của trẻ và tiếp tục thực hiện việc của mình như không có chuyện gì xảy ra.
Khi trẻ đã chán ăn vạ vì không ai để ý thì mọi người hãy thử thu hút chú ý của trẻ như: “Có ai muốn ăn ngọt không nhỉ? Có ai thấy chiếc điều khiển ti vi của mẹ đâu không nhỉ?”… Khi đó khả năng cao trẻ sẽ hăng hái tham gia và đi lấy ngay cho mẹ.
Sau nhiều lần ăn vạ không thành công như thế, trẻ sẽ mất dần tật ăn vạ. Tuy nhiên để có thể loại bỏ hoàn toàn tật ăn vạ này của trẻ, đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng lòng của tất cả các thành viên trong gia đình.”
Bố mẹ của Kidsonline có thấy mình và con trong đó không ạ. Việc trẻ lên 4 có những biểu hiện như vậy khiến người lớn khó chịu, tuy nhiên thay vì quát mắng bố mẹ nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân vì sao con như vậy và tìm cách giải quyết hợp lý nhất nhé. Hãy áp dụng những biện pháp trên theo thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh, chắc chắn mẹ sẽ trị được tật ăn vạ của con mình đó.
Quý trường đăng ký
trải nghiệm