Ho là một trong những triệu chứng phổ biến mà trẻ nhỏ thường gặp phải, đặc biệt là vào ban đêm, khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng về sức khỏe và giấc ngủ của con. Trong bài viết này, KidsOnline sẽ chia sẻ đến Quý phụ huynh những nguyên nhân phổ biến và các phương pháp hiệu quả giúp trị ho về đêm cho trẻ.
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị ho về đêm
Theo PGS.TS. Phạm Bích Đào, giảng viên cao cấp Bộ môn Tai Mũi Họng, Đại học Y Hà Nội cho biết, ho có thể do nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh khác nhau gây ra. Cha mẹ cần lưu ý đến những nguyên nhân thường gặp như:
- Môi trường phòng ngủ không được vệ sinh sạch sẽ, bụi bẩn tích tụ trong chăn, gối và thú bông, có thể khiến trẻ hít phải vi khuẩn, dẫn đến các triệu chứng như ho và ngứa mũi.
- Trẻ có thể bị kích ứng từ các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, mạt bụi, gây ra tình trạng ho nhiều, kèm theo ngứa mắt, hắt hơi và cảm giác nóng rát cổ họng.
- Thay đổi nhiệt độ môi trường vào ban đêm, đặc biệt là khi trời trở lạnh và không khí khô, có thể kích thích cuống họng, đặc biệt là đối với trẻ có hệ miễn dịch yếu.
- Ngoài các nguyên nhân bên ngoài, tình trạng trẻ ho về đêm cũng có thể do các bệnh lý trong cơ thể như viêm họng, viêm phế quản, xoang, giãn phế quản, và trào ngược dạ dày.
2. Cách xử lý khi trẻ bị ho về đêm
Khi trẻ ho vào ban đêm, điều này không chỉ gây lo lắng và xót xa cho bố mẹ vì ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý nguy hiểm khác. Dưới đây là một số phương pháp giúp trẻ giảm ho vào ban đêm theo lời khuyên của BSCK1 Vũ Thanh Tuấn thuộc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% cho trẻ trước khi đi ngủ để giúp bé loại bỏ dịch nhầy, các loại bụi bẩn gây kích ứng, cân bằng độ ẩm và sinh lý niêm mạc mũi.
- Uống nhiều nước là cách để giúp đường thở của trẻ luôn ẩm, không bị khô, hạn chế các kích thích từ bên ngoài. Đặc biệt, mẹ nên chú ý cho trẻ uống nước ấm trước khi ngủ và sau khi thức dậy, có thể pha thêm 1 – 2 thìa mật ong để tăng sức đề kháng, làm dịu phổi.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng để không khí không bị khô, giảm tiết dịch nhầy, từ đó sẽ hỗ trợ trẻ cải thiện tình trạng ho nhiều vào ban đêm và dễ ngủ hơn.
- Không nên cho trẻ ăn tối quá no hoặc sát giờ đi ngủ để tránh tình trạng thức ăn không tiêu hóa kịp, ứ đọng dịch axit dạ dày và trào ngược lên thực quản gây ho nhiều khi bé nằm.
- Đầu, cổ, tai, bụng, lòng bàn chân, bàn tay là những vị trí cần phải giữ ấm cho trẻ mỗi khi ngủ những chỗ này rất dễ bị nhiễm lạnh khiến trẻ ho nhiều hơn vào ban đêm.
- Chú ý điều chỉnh tư thế ngủ cho bé, để trẻ nằm ngửa, thẳng người, đầu gối cao khoảng 15 – 20cm nhằm giúp lưu thông đường thở và giảm tình trạng dịch nhầy chảy xuống cổ họng.
- Tạo không gian ngủ cho trẻ sạch sẽ, thường xuyên lau chùi các vật dụng và vệ sinh chăn, ga, gối,… nhằm loại bỏ hoàn toàn các tác nhân có thể gây kích ứng đường hô hấp của trẻ khi ngủ.
Nếu đã áp dụng những cách trên mà tình trạng trẻ ho về đêm vẫn không thuyên giảm, đặc biệt là khi xuất hiện các triệu chứng dưới đây, ba mẹ cầ đưa bé đi khám.
- Ho nhiều, ho có đờm đặc, màu vàng lục và mùi hôi.
- Ho nhiều kèm sốt cao và đổ mồ hôi về chiều.
- Ho ra máu kèm co giật.
- Cơn ho kéo dài hơn 1 tuần, 10 ngày.
- Trẻ bỏ ăn, khó nuốt, khó thở.
Lúc này, không đơn thuần là do sự thay đổi của thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm) hay các tác nhân gây dị ứng mà còn là biểu hiện của bệnh hô hấp. Trong đó, viêm phế quản và viêm phổi là nguy hiểm, cần điều trị sớm. Trong trường hợp này, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tìm hướng xử trí phù hợp.
Việc giảm ho cho trẻ vào ban đêm không chỉ giúp bé ngủ ngon hơn mà còn bảo vệ sức khỏe của bé khỏi các vấn đề tiềm tàng. Thông qua bài viết trên, KidsOnline hy vọng bố mẹ sẽ có thêm thông tin để nuôi dưỡng trẻ một cách tốt nhất.
Quý trường đăng ký
trải nghiệm