Kỹ năng làm việc nhóm luôn cần được hình thành và rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ, đặc biệt đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non. Việc trang bị cho trẻ kỹ năng làm việc nhóm giúp trẻ hình thành tính tự lập, tinh thần trách nhiệm và gắn kết tình cảm với những người xung quanh.
Trong bài viết dưới đây, KidsOnline xin gợi ý 1 số trò chơi teambuilding đơn giản và vô cùng bổ ích giúp trẻ mầm non xây dựng kỹ năng đội nhóm và hoạt động theo tập thể.
Trò chơi 01: Ngón tay giữ vòng
Luật chơi:
Chia nhóm từ 4-6 trẻ, mỗi nhóm xếp thành một vòng tròn. Trẻ giơ tay ra và duỗi thẳng ngón tay trỏ. Quản trò đặt một chiếc vòng lên trên ngón tay trỏ của cả nhóm, nhóm có nhiệm vụ giữ chiếc vòng bằng ngón tay trỏ của mỗi thành viên trong đội, với điều kiện là phải luôn giữ thẳng ngón trỏ, không được ngoắc ngón tay vào vòng hay dùng những hình thức khác để giữ vòng.
Tùy theo lứa tuổi của trẻ để nâng cấp độ khó của trò chơi, bằng cách thêm các điều kiện, ví dụ: vừa giữ vòng vừa di chuyển đến đích, không giao tiếp nói chuyện với nhau khi giữ vòng, chỉ giữ vòng bằng đầu ngón trỏ,..
Trò chơi 02: Nhảy dây nhóm
Luật chơi:
Hai người lớn giữ 2 đầu dây nhảy và quay dây, trẻ xếp hàng đứng ở giữa. Tất cả đội phải nhảy cùng một lúc để không chạm vào sợi dây đang quay. Chia trẻ thành các nhóm để thi xem đội nào nhảy được nhiều nhất.
Trò chơi 03: Rồng rắn
Luật chơi:
Cho một trẻ làm “thầy thuốc” đứng đối diện (hoặc ngồi) với những người làm “rồng rắn”. Các trẻ khác túm đuôi áo nhau (hoặc tay ôm lưng nhau) thành ” rồng rắn”, tư thế này giúp trẻ cảm nhận các hướng của người khác. Trẻ đứng ” rồng rắn” đi lượn vòng vèo, vừa đi vừa đọc bài đồng dao. Nếu thầy thuốc bắt được khúc đuôi thì bạn khúc đuôi bị loại khỏi cuộc chơi. Trò chơi lại bắt đầu cứ chơi như thế đến khi rồng rắn ngắn dần vì mất bạn chơi. Nếu ” rồng rắn” bị đứt khúc hoặc bị ngã thì trò chơi kết thúc.
Trò chơi 04: Trò chơi kéo co
Luật chơi:
Chia trẻ làm hai nhóm bằng nhau, tương đương sức nhau, xếp thành hai hàng dọc đối diện nhau. Mỗi nhóm chọn một trẻ khoẻ nhất đứng đầu hàng ở vạch chuẩn, cầm sợi dây thừng và các trẻ khác cũng cầm vào dây. Khi có hiệu lệnh của cô, tất cả kéo mạnh dây về phía mình. Nếu người đứng đầu hàng nhóm nào giẫm chân vào vạch chuẩn trước là thua cuộc.
Trò chơi 05: Vượt chướng ngại vật
Luật chơi:
Quản trò sẽ bày ra một số chướng ngại vật. Chia trẻ thành từng cặp để chơi. Một trẻ sẽ được bịt mắt đứng ở vạch xuất phát. Trẻ còn lại sẽ dùng lời nói, hướng dẫn đồng đội đang bị bịt mắt vượt chướng ngại vật để đi đến đích an toàn.
Trò chơi 06: Đóng vai nhân vật
Luật chơi:
Cô chia trẻ ra thành các đội chơi. Sau đó phân công một đội chơi ra ngoài vòng lửa để biểu diễn, các đội khác ngồi tại chỗ xem và cho điểm.
Cô chỉ định một trẻ làm “Người điều khiển” yêu cầu nhân vật nào thì toàn đội chơi biểu diễn những cử chỉ, hành động… của nhân vật đó thông qua đặc trưng nghề nghiệp của họ.
Các đội chơi còn lại là khán giả quan sát, phán đoán nhân vật mà đội đó thực hiện ghi lên giấy đưa cho người điều khiển, đội chơi nào đoán trúng nhanh nhất là đội chiến thắng.
Đáp án do người điều khiển ra và phải giữ bí mật, chỉ thông báo cho đội chơi biết mà thôi.
Trò chơi 07: Truyền tin mật
Luật chơi:
Tất cả các đội chơi xếp hàng dọc, cô (người điều khiển) chỉ định một trẻ đứng đầu hàng đọc nội dung của bản thông tin (tất cả cùng chung 1 bản). Thứ tự từ đội thứ nhất truyền tin cho người thứ hai bằng cách (nói nhỏ vào tai) – cứ thế trẻ đứng trước truyền tin cho trẻ đứng ở vị trí sau lưng mình – trẻ cuối cùng trong đội nhận tin và đọc to đáp án cho người điều khiển. Đội nào có nội dung bản tin giống bản tin gốc nhất là đội đó thắng
Trò chơi 08: Ngồi thành vòng tròn
Luật chơi:
Trẻ đứng thành một vòng tròn hướng mặt vào phía trong. Sau đó, tất cả cùng xoay người theo cùng một hướng (trái hoặc phải) và sẽ ngồi xuống cùng một lúc. Khi đó, trẻ sẽ ngồi lên đùi của bạn đứng ngay sau trẻ, cả nhóm phải hỗ trợ nhau để duy trì tư thế ngồi này.




Quý trường đăng ký
trải nghiệm
