Các bố mẹ hãy cùng KidsOnline đọc chia sẻ về kinh nghiệm chọn trường mầm non tuyệt vời của Chuyên gia tâm lý – giáo dục, Th.s Hoàng Anh, mẹ của bé Kapi đáng yêu nhé ^^
Bài dài nên mình tóm tắt ở đây trước:
Những điều cần chú ý khi nhìn vào 1 trường mầm non: cơ sở vật chất, hiệu trưởng, quản lý hành chính, cô giáo, bạn bè của con, và các nhân viên khác (bảo vệ, cô bếp, lao công…). Điều quan trọng nhất ở 1 trường mầm non là CON NGƯỜI, liệu các cô giáo có thực sự yêu trẻ không? Trình độ có vững không? Để nhận ra điều đó thì bạn phải dành thời gian quan sát, tương tác với cô, và trực giác của người mẹ để cảm nhận. Cuối cùng, mỗi gia đình đều có tiêu chí chọn trường khác nhau, khi có mục đích rõ ràng thì chọn trường sẽ dễ dàng hơn.
Hồi đó mình quyết định cho Kapi đi học lúc 19 tháng, tâm lý cũng rất lo lắng và căng thẳng vì mới chuyển vào Sài Gòn, mẹ còn lạ lẫm nói gì con. Hồi đó may kiếm được quyển “Khi con đi mẫu giáo” của tác giả Lý Diệu Nhi, để đọc cho lên tinh thần và nghiên cứu về việc chọn trường mầm non như thế nào.
Kapi từ nhỏ đến giờ mới học 2 trường mầm non thôi, 1 trường trong Sài Gòn và 1 trường ở Hà Nội, 2 lần mình đều tham khảo hết các trường gần nhà để chọn được trường tốt nhất, với lại sau cũng có kinh nghiệm làm Office Manager ở 1 trường mầm non quốc tế nên biết nhìn nhận rồi. Vì Kapi mà mình làm ở đó để biết được như thế nào là một trường mầm non chuẩn quốc tế.
VẬY CHỌN TRƯỜNG MẦM NON PHẢI NHÌN VÀO NHỮNG GÌ?
Đầu tiên đập vào mắt bạn sẽ là cơ sở vật chất của trường. Trường mới, trường đẹp, trường sạch, có cây xanh thì dễ thấy rồi. Mình chỉ nói những tiểu tiết mà có thể các bạn dễ bỏ qua.
Mình vào trường là quan sát ngay về SỰ NGĂN NẮP VÀ CÓ TỔ CHỨC của trường. Tại sao? Vì đó là môi trường của trẻ, sống trong môi trường ngăn nắp, gọn gàng thì trẻ mới ngăn nắp, mới biết sắp xếp có khoa học được. Trường quốc tế mình làm ý, mọi thứ thẳng tắp, gọn gàng, đều có dán nhãn hết, tủ này đựng gì, kệ này đựng gì… Và để làm được như thế rõ ràng cô giáo và người quản lý trường cũng phải có đầu óc tổ chức, sắp xếp và thói quen ngăn nắp. Con học cả ngày ở trường, được như vậy sẽ ngấm vào người một cách tự nhiên.
Có những trường mầm non mình đến (tính cả Hà Nội và Sài Gòn mình phải đi gần 20 trường mầm non rồi), bước vào trường là thấy một sự lộn xộn, hỏi lịch học thì thấy văn phòng đi tìm loạn lên, trường có cửa chốt an toàn cho trẻ nhưng cái cửa đó luôn mở (!!!!), sàn nhà thì đầy sạn cát, phòng học thì tối, đồ chơi ở sân chẳng cất, đồ đạc thì để lung tung lộn xộn… Mấy trường như vậy là tạm biệt luôn.
Không phải trường đắt tiền thì mới gọn gàng đâu, trường của Kapi ở trong SG cũng nhỏ nhắn xinh xắn thôi, nhưng rất sáng và sạch, đồ chơi các cô lau rửa thường xuyên, trường nhỏ mà nhiều đồ nên mọi thứ rất gọn gàng, cái này phụ thuộc vào cô hiệu trưởng và quản lý hành chính rất nhiều.
Điều thứ hai bạn nhìn thấy sau cơ sở vật chất nhưng lại là điều quan trọng số 1, đó là CON NGƯỜI, đây là điều giá trị nhất của trường mầm non, vì với trẻ nhỏ, được yêu thương còn quan trọng hơn cả tri thức nữa. Mà tình yêu lại là điều không thể đào tạo được, cũng không “đánh bóng” được cơ sở vật chất, nó phải xuất phát từ trái tim.
Đầu tiên là cô hiệu trưởng và quản lý hành chính của trường, bạn sẽ thấy một phần của họ thể hiện ở việc sắp xếp trường rồi, một phần khác bạn sẽ thấy khi nói chuyện, tương tác với họ. Đó là những lãnh đạo hàng ngày của trường, là những người tạo ra văn hóa chung của trường nên cần được quan sát kỹ. Xem họ có vui vẻ niềm nở không? Có yêu trẻ chân thành không? Vui vẻ niềm nở thì ai cũng thế thôi, dịch vụ mà. Nhưng yêu trẻ chân thành làm sao biết? Hãy nhìn vào mắt họ, nghe giọng nói của họ khi nói về trẻ, dùng sự nhạy cảm của người mẹ, bạn sẽ thấy đây là một “thợ dạy”, người “dạy thuê” hay người “trồng người” thật sự. Mình đến thấy có 2 loại trường, 1 là nghe giọng nói đã thấy chỉ muốn kéo khách vào rồi, chèo kéo rất thương mại, 2 là do nổi tiếng, hay gắn mác “quốc tế” nên giọng lại rất kiêu, kiểu này lại không cần khách (có trường waiting list dài cả trang nên họ cũng ko cần khách thật) nhưng kể cả thế cũng không được kiêu, mình dạy trẻ, mình phải làm gương, ít nhất cũng phải đón tiếp khách lịch sự.
Bạn cũng sẽ biết được Triết lý giáo dục chung của trường khi tiếp xúc với 2 người này. Có trường mình đến, cô hiệu trưởng nói luôn là “cô xin phép mẹ là khi nào bé làm gì không đúng sẽ đánh nhẹ vào tay bé”. Mình ko kiềm chế được mà tròn mắt nhìn cô đó luôn ^.^ may câu “quên cô đi” thì kiềm chế được không nói ra. Và tất nhiên mình cũng chạy khỏi trường đó luôn.
Mà đừng nhìn có camera là yên tâm nhé, mình từng đến 1 trường, lúc đứng dưới nhìn camera ko hiểu sao cả nhóm trẻ ngồi lấm lét thu lu vào 1 góc. Đến lúc lên lớp mới thấy hóa ra cô đang kéo 1 bạn vào góc lớp, khuất camera để đánh và mắng, nên nhìn ở camera chỉ thấy cả lớp ngồi thu lu 1 góc sợ sệt thôi. Chuyện lâu rồi mà ám ảnh mình đến giờ. Vì đứa trẻ bị đánh thì khỏi nói rồi, khóc lóc ầm mĩ, tội nghiệp lắm, giờ nghĩ lại mình vẫn thấy xót mà sao cô giáo nỡ…, còn bọn trẻ con nhìn cảnh đó, ánh mắt sợ sệt rất tội nghiệp. Cô giáo thì vừa đánh vừa mắng rất đáng sợ. Đến giờ mình vẫn áy náy là đã đi qua đó mà không nói gì với cô để cản lại. Lúc đó mình chỉ nghĩ mình tôn trọng trường, tôn trọng cách xử lý của cô nên không nói gì. Vả lại lúc đó mình trẻ, chưa có kinh nghiệm, cũng chưa nhiều kiến thức nên xử sự như vậy. Giờ gặp lại chuyện như thế chắc mình không đi qua một cách đơn giản như vậy nữa. Chuyện lâu rồi mà đến giờ mình vẫn cắn rứt và ám ảnh. Và tất nhiên, cái trường đó cũng loại luôn. Cho nên các mẹ phải quan sát kỹ cô giáo, chứ đừng đến cái hỏi có camera không, nếu họ muốn đánh, mắng con các bạn, chấp luôn cả camera.
Nói về cô giáo, đây là người quan trọng nhất nhất rồi. Phải quan sát kỹ ^.^ sau khi đã ưng cơ sở vật chất, hiệu trưởng, quản lý hành chính, ưng ưng cô giáo nữa rồi thì mình đến vài lần, đến vào buổi sáng này, để xem cách cô chào đón con như thế nào, đến vào giờ ăn, để thấy bọn trẻ ăn như thế nào và đến vào giờ tan học, để xem cuối ngày các cô còn năng lượng hay mệt phờ rồi, bạn cũng có cơ hội giao lưu với các phụ huynh, quan sát trẻ lúc đến và lúc về.
Lúc tiếp xúc với cô giáo, cũng như với cô hiệu trưởng, mình nghe giọng nói, nhìn ánh mắt, cử chỉ, quan sát tổng thể xem cô là người thế nào (ăn mặc, trang điểm, trang sức… nói chung bất cứ chi tiết nào), nghe xem giọng của cô nói nhanh hay nói chậm (người nói nhanh là người nghĩ nhanh, hành động cũng nhanh, nhưng nhanh quá hay chậm quá đều không tốt,người nói chậm quá hành động và phản ứng cũng chậm chạp, sao mà quản hết cả lớp được), cử chỉ của cô thế nào? Có dứt khoát không? Lanh lợi không? Toát lên là người thế nào? Bởi vì cô 1 ngày chăm rất nhiều trẻ như thế, nếu không lanh lợi và dứt khoát thì không làm hết việc được, không kiểm soát được lớp thì dễ stress, stress thì dễ quát mắng, đánh con mình. Ngoài việc tiếp xúc với cô giáo, mình phải dùng cảm nhận, trực giác ý, mình làm mẹ, hãy luôn tin vào trực giác của người mẹ, đây là lợi thế mạnh nhất của mình, không ai có hết. Bạn chỉ cần thật bình tĩnh, tâm thật an, bạn sẽ cảm nhận được, “ngửi” được mùi bình an hay bất an ngay.
Mình còn phải nhìn xem bọn trẻ trong lớp NHÌN cô như thế nào nữa. Nhiều khi chỉ 1s thôi, bạn sẽ phát hiện ra điều gì đó ^.^ Có lần mình vào 1 lớp đang do cô trợ giảng đứng lớp vì cô giáo chính đi vắng, bước vào cảm giác lớp hơi lộn xộn vì cô quản lý lớp chưa “cứng”, nhưng đổi lại không khí rất vui vẻ, thoải mái, relax, sự lộn xộn vẫn trong giới hạn chấp nhận được. Trong khi cô giáo chính vừa về, bước vào lớp cái, không khí toát lên vẻ nghiêm trang và sợ sệt. Thật ra cô giáo cần có cái “uy”, nhưng “vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, trong cái uy đó trẻ phải thấy yêu kính chứ không phải sợ hãi. Mình cảm thấy được sự “sợ hãi” như vậy, mình cũng loại luôn. Vì sự sợ hãi sẽ triệt tiêu sự sáng tạo. Mình thì rất muốn phát triển sự sáng tạo cho con, nên thoáng thấy sự sợ hãi là mình chạy luôn. Rõ ràng nếu cô giáo đã từng đánh, mắng trẻ, trẻ nhìn cô ngoài vui vẻ, yêu thương, nhất định vẫn toát lên sự sợ hãi, nên vào lớp, phải quan sát cả CÁCH TRẺ CON NHÌN VÀ ĐỐI XỬ với cô giáo nữa. Quá tự do hay sợ hãi đều không được.
Bố mẹ đọc tiếp phần tiếp theo nhé:
Chọn trường mầm non như thế nào (Phần 2)
Xem thêm các chia sẻ khác cuả chuyên gia tâm lý Hoàng Anh:
Quý trường đăng ký
trải nghiệm