Không ai có thể đếm được số lần bố mẹ đưa con đi học trên một con đường. Nếu bé học ở ngôi trường đó 3-4 năm thì đó quả là con số khủng. Bạn có phải đánh vật với cơn buồn ngủ của bé không? Bạn có căng thẳng mỗi khi tắc đường không? Có rất nhiều cơ hội tuyệt vời để bạn dạy những điều thú vị trên con đường này khiến hai mẹ con / bố con không còn cảm thấy tẻ nhạt nữa. Mẹ Hương (Thanh Xuân) đã chia sẻ ý tưởng về những “bài học” độc đáo mỗi ngày trên đường đến trường mà chị đã áp dụng thành công với hai bé của mình. Mời bố mẹ cùng tham khảo!
“Hầu như ngày nào đi học cũng là hành trình đầy vui vẻ của hai mẹ con. Hành trình ấy còn giúp mình vượt qua những ngày có chuyện buồn. Thay vì để những suy nghĩ tiêu cực cứ luẩn quẩn trong đầu thì mình có được tiếng cười với con yêu. Quan trọng là bố mẹ đừng nghĩ mình đang DẠY con học nên con phải GIỎI. Hãy nghĩ, mình cũng là một đứa trẻ và bé chỉ bắt chước mình mà thôi.
1. Định hướng không gian:
Nói một cách đơn giản là bé biết khi nào là rẽ phải, rẽ trái, đi thẳng, lên cầu, xuống cầu… Đi thẳng, lên cầu, xuống cầu thì dễ rồi. Nhưng rẽ phải, rẽ trái rất dễ nhầm. Buổi sáng, tức là lúc đến trường, là lúc bé “bước ra thế giới”. Bé quan sát tốt hơn, tỉ mỉ hơn, nên đây là thời điểm học cái mới nhanh hơn. Đường đến trường từ nhà mình có nhiều điểm rẽ trái hơn là rẽ phải nên lúc đầu mình chỉ nhắc đến từ “ rẽ trái” thôi và không đả động gì đến rẽ phải. Cứ đến điểm rẽ trái mẹ lại nói “ Tôi rẽ trái, mọi người cho tôi xin đường. Con giơ tay trái ra xin đường như mẹ này. Tôi rẽ trái. Tôi rẽ trái… Xin cảm ơn!”. Bé nhà mình chưa đầy 24 tháng đã nhận ra những điểm rẽ trái. Cứ thế khoảng 1 năm sau, bé đã nắm rõ hướng rẽ trái, lúc đó mới dạy hướng rẽ phải. Lúc này, hai mẹ con chơi trò “dẫn đường”. Mẹ giả vờ không biết đường, con chỉ đường. Và thật tuyệt là không lần nào bé chỉ sai cả.
2. Nhận ra sự thay đổi
Là cách mà bạn phát triển óc quan sát của bé. Tức là bé tri giác đối tượng có chọn lọc, có phát hiện, cao hơn là phân biệt, so sánh. Đây là câu chuyện của hai mẹ con khi đi qua trung tâm tổ chức tiệc cưới vào mùa cưới:
– Mẹ ơi, mẹ đố con hôm nay có đám cưới không đi.
– Uh, mẹ đố con hôm nay có đám cưới không?
– Có ạ.
– Sao con biết?
– Vì có nhiều người đến xem cô dâu chú rể?
Khi ngày nào hai mẹ con cũng đi qua một công trình đang xây dựng, một cái cây được tỉa cành hoặc một showroom tổ chức khai trương… đều tạo ra sự thay đổi so với hàng ngày. Nhất là với công trình xây dựng đang đi vào hoàn thiện mỗi ngày đều có sự khác biệt: màu của bức tường, xuất hiện thêm cổng, chậu hoa trang trí, một ngôi nhà hoàn chỉnh… Tất cả điều đó bé đều nhận ra, nhưng bé không có đủ ngôn ngữ để miêu tả. Mẹ hãy là người bắt đầu để bé học cách dùng từ, dùng câu:
- Ô, hôm nay ngôi nhà trông cao thế nhỉ.
- Bức tường đã được lăn sơn đẹp quá! Nó màu gì con nhỉ?
- Wow, cây cầu đã xây xong rồi. Hôm nay mình đi lên cầu nhé. Lên cầuuuu!!!
3. Hiểu tín hiệu đèn giao thông:
Nhiều bố mẹ tranh thủ dạy con về tín hiệu đèn giao thông. Mình cũng vậy. Đường đến trường của bé có hai ngã tư . Khi bé chưa biết, mẹ sẽ nói về nó trước: “ Đèn vàng rồi, chậm lại, chậm lại…”. Sau đó thì mẹ sẽ hỏi: “ Đèn đỏ rồi, phải làm gì bạn Bông nhỉ?”. Rồi đến một ngày, tự bé sẽ nhắc mẹ phải làm gì khi đến ngã tư đó.
4. Nhớ địa chỉ nhà mình:
Dạy bé nhớ số điện thoại của bố mẹ và địa chỉ nhà là rất quan trọng. Khi ở nhà bạn chỉ dạy bé “nhớ vẹt” địa chỉ thì khi đi học về là cơ hội bố mẹ cho bé thực hành tìm địa chỉ đó. Tại sao lại là khi đi học về mà không phải là lúc đến trường? Vì địa chỉ nhà sẽ dẫn đến một cái đích. Cái đích đó gắn với điều bố mẹ muốn dạy con. Và nó cũng theo một thứ tự: phố – ngõ – ngách – nhà ( từ to về nhỏ). Bố mẹ phải là người giới thiệu trước nhé.
- Rẽ trái vào phố X nhà mình rồi… Đi tiếp rẽ vào ngõ 15 ( chỉ.. vào tấm biển “ ngõ 15”)… Rẽ tiếp vào ngách 15/1 xe của tôi sẽ đưa bạn về nhà số 70. Nhà 70 đây rồi!!!
Bạn có thấy bé đang khám phá một điều rất mới từ cái rất quen thuộc không?
Tuy bé không biết chữ, nhưng cứ nhìn thấy tấm biên quen thuộc bé sẽ vẫn biết mình đi trên phố nào.
Khi bé lớn hơn, bố mẹ có thể dạy bé tên đường phố. Khi bắt đầu đến con phố đó, chỉ cho bé thấy biển tên và đọc tên con phố đó ra. Con gái lớn nhà mình lúc hơn 3 tuổi đã định hướng được “ bên phải là phố Huỳnh Thúc Kháng, bên trái là phố Thái Hà”. Trí tuệ của bé có thể nhớ được những thứ vô cùng phức tạp. Nếu bạn đã từng xem bộ phim hài hước của Mỹ “Một ngày của bé siêu quậy” bạn sẽ hiểu điều đó.
5. Học Tiếng Anh
Bài hát tiếng Anh rất dễ “chế” lời
Những câu đơn giản như “ Let’s go”, “ stop”, “ come on” chắc bố mẹ nào cũng biết. Ngoài ra mình cũng hay dùng những bài hát như “What colour is the sky?” để dạy bé về màu sắc, “ how’s the weather?”, “Rain, rain go away” để dạy bé về thời tiết, “ the wheels on the bus” để dạy về chiếc xe buýt… Tất cả đều được “ chế” cho phù hợp với thực tế và tạo hứng thú. Ví dụ:
- What colour is the tree? It’s green , it’s green, it’s green
- What colour is the car? It’s black, It’s black, It’s black.
- The wheels on motobike go round and round…
6. Đọc biển số xe:
Hãy bắt đầu từ xe của bố/ mẹ. Buổi sáng bố mẹ có hay chơi trò “ giúp bố/ mẹ tìm xe không”? Bé hoàn toàn có thể, đúng không? Nếu bé đã tìm được, mình ra xe và chỉ vào từng số trên biển xe “ 29H8- 7135, đúng là xe của mẹ đây rồi”. Thế là mình khám phá ra bé rất thích thú đọc biển số. Đi đường phải dừng lại vì tắc là bé lại đọc biển số xe đang chắn ở trước. Biết đâu sẽ có một thiên tài được phát hiện ra là nhớ được tất cả số xe người thân của mình. Điều đó có thể lắm chứ.
7. Ứng xử lịch sự
Việc cảm ơn khi xin đường sẽ giúp bé học cách tôn trọng mọi người ở nơi công cộng. Điều đó không có nghĩa là lúc nào cũng có những tấm gương tốt để bé học. Vì cuộc sống có gì, bé sẽ nhìn thấy hết. Cũng có lúc không may mình xảy ra va chạm với xe phía trước. Bé sẽ học được cách “ xin lỗi” của mẹ. Có lần bé hỏi mình:
- Mẹ ơi, sao đèn đỏ mà chú kia không dừng lại?
- Mẹ đoán là chú ấy xem ti vi nhiều quá nên mắt bị mờ, không nhìn thấy đèn đỏ. Các chú công an sẽ nhắc nhở chú ấy.
8. Nghêu ngao một bài hát/ bài thơ
Im lặng suốt quãng đường dễ làm bé ngủ gật
Hát nghêu ngao một bài cũng là cách giảm stress khi tắc đường hay khi chờ đèn đỏ. Nếu bạn hát một bài quen thuộc, lập tức bé sẽ bắt theo cùng mẹ. Thi thoảng mình lại yêu cầu bé dạy mình bài thơ hôm nay bé học được ở lớp. Âm thanh trong trẻo, ngọng nghịu của bé hòa cùng mẹ khiến mình cảm thấy con đường quen thuộc này sẽ là niềm vui mỗi ngày của mẹ và trở thành kỉ niệm ngọt ngào của con.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà giáo dục Maria Montessori đã rất coi trọng và đưa lĩnh vực “Thực hành cuộc sống” vào phương pháp giáo dục nổi tiếng của mình, phương pháp Montessori. Thực tế cuộc sống luôn mang đến những bài học vô giá và hữu ích hơn sách vở. Điều này cũng đúng với dạy trẻ em. Nếu bạn đã đưa bé đến với thế giới này, hãy giúp bé cảm thấy cuộc sống này thật đơn giản, dễ dàng và thú vị biết chừng nào.
Quý trường đăng ký
trải nghiệm