Cuộc sống hiện tại quá bận rộn nên các bậc phụ huynh không giành nhiều thời gian để chơi cùng trẻ, dẫn đến việc trẻ chỉ chăm chăm xem ti vi, chơi các trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại thông minh sau mỗi giờ học. Việc bố mẹ cho trẻ tham gia các trò chơi dân gian cùng nhóm sẽ giúp trẻ phát triển trí tuệ, sự sáng tạo, tư duy, phản xạ nhanh nhạy và thể chất.
Sau đây Kidsonline xin giới thiệu đến các bạn những trò chơi dân gian cho trẻ phổ biến:
1. Trò chơi Cướp Cờ
Cần chuẩn bị:
– Một chiếc khăn
– Một vòng tròn
– Kẻ một vạch xuất phát cũng làm điểm đích
Luật khi tham gia cuộc chơi:
+ Người đã bắt được cờ nếu bị bạn cùng số của đội khác vỗ vào người sẽ thua cuộc
+ Khi có nguy cơ bị vỗ vào người thì có thể bỏ cờ xuống để tránh thua cuộc và được quyền chơi tiếp.
+ Khi lấy được cờ chạy về vạch xuất phát của đội mình không bị đội bạn vỗ vào người, thắng cuộc
+ Số nào bị thua rồi – “bị chết” quản trò không gọi số đó chơi nữa
+ Người chơi không được ôm, giữ nhau cho bạn cướp cờ
+ Người chơi tìm cách lừa đối phương để mang cờ về, chỉ được cướp cờ trong vòng tròn
+ Khoảng cách cờ đến hai đội phải tương đương.
Hướng dẫn cách chơi:
+ Người tổ chức trò chơi chia nhóm tham gia thành hai đội có số lượng bằng nhau, mỗi đội có từ 5-6 bạn, xếp thành hàng ngang ở vạch xuất phát của đội của mình. Đặt số thứ tự cho từng bạn và bạn đó phải nhớ chính xác số của mình.
+ Sau đó, quản trò (người tổ chức) sẽ bắt đầu gọi tên số bất kỳ, hai bạn cùng số trong hai đội sẽ chạy đến vòng tròn và cướp lấy cờ.
+ Tiếp đến quản trọ gọi số thứ tự nào thì số đó phải chạy về, quản trò được quyền gọi nhiều số cùng một lúc.
2. Chơi chuyền
Trò chơi này chủ yếu dành cho các em gái. Chỉ cần 2 bạn là có thể chơi được trò này rồi.
Đồ chơi gồm: 10 que tre nhỏ và 1 quả tròn vừa tay (quả bưởi nhỏ, cà, bóng tennis…)
Cách chơi: Tay phải cầm quả bóng, tay trái để cầm que. Đầu tiên, tung bóng lên không trung bằng tay phải, tay trái sẽ nhặt từng que(chơi bàn 1 – lấy một que trong một lần tung), chơi bàn 2 – lấy 2 que trong một lần tung bóng, chơi bàn 3 lấy 3 que trong một lần tung bóng… đến bàn thứ 10, vừa nhặt que vừa hát câu thơ phù hợp với bàn), lặp lại cho đến khi nào quả bóng bị rơi xuống đất thì sẽ bị mất lượt.
Khi đến bàn 10 thì bắt đầu chuyền bằng hai tay, hết bàn 10 mà bóng vẫn không bị rơi xuống đất sẽ trở thành người thắng cuộc và kết thúc một ván chuyền, chơi các ván tiếp theo để tính điểm thắng thua.
Chơi chuyền đòi hỏi kết hợp sự khéo léo của đôi tay, sự tinh nhanh của đôi mắt, sự nhanh nhạy của não bộ và phải nhớ lời bài hát.
Do đó, nếu bố mẹ cho trẻ chơi trò chơi này sẽ giúp trẻ rèn luyện rất thành thục các kỹ năng, cách kết hợp nhiều hoạt động cùng một lúc.
3. Trò chơi Ô Ăn Quan
Để chơi trò chơi này, trước tiên cần vẽ lên nền đất/sân một hình chữ nhật với chiều dài được chia đôi, chiều rộng được ngăn thành 5 cột với khoảng cách bằng nhau. Trong hình chữ nhật có tổng cộng 10 ô vuông nhỏ và có thêm hai đầu của chiều rộng là vòng cung được gọi là ô quan lớn. Trong mỗi ô vuông chúng ta đặt 5 viên sỏi.
Trò chơi ô ăn quan dành cho nhóm 2 người. Cách chơi như sau:
Mỗi người ngồi một bên, người bắt đầu sẽ nắm cả 5 viên sỏi ở 1 trong 5 ô bất kỳ của nhà mình và trải đều mỗi ô một viên sỏi lần lượt, khi kết thúc ô cuối cùng ta tiếp tục nắm lấy ô tiếp theo và tiếp tục đi quan. Đến khi viên sỏi mà dừng cách một khoảng trống mới đến ô có sỏi thì khi đó bạn đã được ăn toàn bộ số sỏi trong ô bên cạnh đó và đến lượt của người chơi đối diện.
Hết quan tàn dân, thu quân kéo về. Hết ván, bày lại như cũ, ai thiếu phải vay của bên kia. Tính thắng thua theo nợ các viên sỏi.
Người chơi ô ăn quan giỏi là người tính toán được hướng đi sao cho người đối diện phải thua cuộc.
4. Trò chơi Mèo Đuổi Chuột
Trò chơi này dành cho nhóm 7-10 người
Tất cả mọi người nắm tay đứng thành một vòng tròn, giơ tay cao khỏi đầu và bắt đầu lời bài hát:
Mèo đuổi chuột
Mời bạn ra đây
Tay nắm chặt tay
Đứng thành vòng rộng
Chuột luồn lỗ hổng
Mèo chạy đằng sau
Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo
Co cẳng chạy theo, bác mèo hóa chuột
Trong nhóm sẽ có một người được chỉ định làm mèo và một người làm chuột.
Hai người này đứng trong vòng tròn, quay lưng về phía nhau. Khi cả nhóm hát đến câu cuối cùng thì chuột sẽ chạy và mèo đuổi bắt đằng sau.
Tuy nhiên mèo phải theo đúng chỗ chuột đã chạy. Mèo sẽ thắng cuộc khi bắt được chuột, sau đó sẽ đổi vai trò cho nhau.
5. Trò chơi Rồng Rắn Lên Mây
Trò chơi này dành cho nhóm tối thiểu 3 người, một người sẽ làm thầy thuốc, những người còn lại đứng thành một hàng và bám vào vạt áo của người đứng trước sau người điều khiển. Sau đó, tất cả đi theo người đứng đầu, vừa đi vừa hát:
Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?
Khi câu hát cuối kết thúc sẽ phải đứng trước mặt thầy thuốc và chờ thầy thuốc trả lời:
– Thấy thuốc đi vắng rồi! (hay đi chợ, đi câu cá , đi chơi… tùy ý người thầy thuốc).
Đoàn người lại đi và hát tiếp cho đến khi thầy thuốc trả lời:
– Có !
Và bắt đầu đối thoại như sau: Thầy thuốc hỏi:
– Mẹ con mày đi đâu?
Người đứng làm đầu của nhóm rồng rắn trả lời:
– Mẹ con tôi rồng rắn đi lấy thuốc để chữa bệnh cho con.
– Con lên mấy ?
– Con lên một
– Thuốc chẳng hay
– Con lên hai.
– Thuốc chẳng hay
…
Cứ thế cho đến khi:
– Con lên mười
– Thuốc hay vậy
Kế đó, thì thầy thuốc đòi hỏi:
+ Xin khúc đầu
– Những xương cùng xẩu
+ Xin khúc giữa
– Những máu cùng me
+ Xin khúc đuôi
– Tha hồ mà đuổi
Lúc đó thầy thuốc sẽ phải tìm cách để bắt được người đứng cuối hàng, người đứng đầu hàng phải điều khiển che chắn bảo vệ cho cả hàng không bị đứt quãng và được an toàn.
Nếu thầy thuốc bắt được người cuối cùng thì người đó phải ra thay làm thầy thuốc.
Những trò chơi dân gian cho trẻ vô cùng thú vị và dễ chơi phải không nào. Cho con tham gia thường xuyên những trò chơi này sẽ giúp kích thích trí tưởng tượng, tư duy của con, giúp con vận động và phát triển thể chất mỗi ngày. Bố mẹ hãy hướng dẫn và chơi cùng con nhé.
Quý trường đăng ký
trải nghiệm