Sắp đến Tết rồi. Trẻ em là thích Tết nhất. Thích được mặc áo đẹp, được nghỉ học, đi chơi, được mừng tuổi. Và không thể không kể đến một sở thích khoái khẩu của bọn trẻ là cơ hội được ăn bánh kẹo thả ga. Đi đâu cũng được mời bánh kẹo. Có khi còn được “dúi” thêm vào túi lúc về. Đến bữa ăn lại được nhâm nhi nước ngọt từ không ga đến có ga. Ăn thì ít, uống thì nhiều. Con cứ vui là người lớn vui.
HÃY KIỂM SOÁT LƯỢNG ĐƯỜNG TRONG KHẨU PHẦN ĂN CỦA CON BẠN!
Có rất nhiều cảnh báo về sự tiêu thụ đường quá mức ở trẻ em từ thành thị đến nông thôn, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển. Vì sao???
- Sâu răng
Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ ADA, lượng đường quá mức gây ra sâu răng, là bệnh mãn tính nhất ở trẻ em ở Mỹ. Mỗi lần vi khuẩn trong miệng con của bạn tiếp xúc với đường, axit được tạo ra, chúng tấn công răng của bé trong 20 phút sau đó. Nhưng không chỉ kẹo và món tráng miệng ngọt ngào mới là vấn đề. ADA cũng chỉ ra một số loại nước ngọt có chứa tới 11 muỗng cà phê đường. Uống quá nhiều nước ngọt có đường cũng làm tăng nguy cơ sâu răng.
- Béo phì
Các nhà khoa học đã bắt đầu đồng ý với thực tế: chất béo không chắc đã là thủ phảm gây béo phì. Và họ cũng đã chứng minh được việc cắt giảm đường sẽ giúp giảm cân hiệu quả cho những người mắc bệnh béo phì. Mà trẻ em béo phì thì tương lai của chúng sẽ tiềm ẩn các vấn đề sức khỏe như tim mạch, tiểu đường tuýp 2, ung thư, viêm khớp… Mỗi gram đường chứa bốn calo, vì vậy, nếu một loại thực phẩm có 15 gram đường trên mỗi khẩu phần, tương đương 60 calo chỉ từ đường. Và đường thường được thêm vào thực phẩm có hàm lượng calo cao, chẳng hạn như bánh quy và bánh ngọt. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng sự gia tăng béo phì ở trẻ em cũng có liên quan một phần đến việc tăng tiêu thụ đồ uống có đường.
Lượng đường trong các loại đồ uống
- Suy dinh dưỡng
Đường chứa calo, nhưng không có chất dinh dưỡng hay còn gọi là năng lượng rỗng. Vì vậy thức ăn và đồ uống có đường không nằm trong nhóm thực phẩm bổ dưỡng mà trẻ cần cho sự tăng trưởng và phát triển. Không những thế, theo nghiên cứu, khi đường làm tăng đường huyết, sự thèm ăn của con bạn sẽ mất đi. Đường tạo ra cảm giác no giả. Và nếu bé chỉ cần ăn một chút kẹo ngọt trước bữa chính, bé không đủ đói để đón nhận thực phẩm bổ dưỡng. Nếu việc này diễn ra trong một thời gian dài thì đây là khởi đầu của nhiều hệ lụy do sự thiếu hụt dinh dưỡng
- Giảm miễn dịch
Quá nhiều calo rỗng có thể dẫn đến sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến khả năng chống lại bệnh tật của trẻ, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng. Ở người, đường và axit ascorbic (vitamin C) ức chế nhau. Nếu ăn nhiều đường, có lẽ bé sẽ không nhận đủ vitamin C. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của con bạn và khiến bé dễ bị mắc các bệnh cảm lạnh, ho và dị ứng hơn .
- Giảm tập trung
Đường có thể đang cản trở khả năng học hỏi và ghi nhớ của con bạn.Theo các nhà khoa học, chế độ ăn nhiều đường làm giảm lượng nhân tố thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF). Hóa chất này giúp tạo ra những ký ức và phát triển những cách suy nghĩ phức tạp. Hóa chất này cũng hỗ trợ khả năng tự phục hồi của não để đáp ứng với thông tin và trải nghiệm mới. BDNF ít hơn trong não dẫn đến xu hướng học hỏi những điều mới thấp hơn.
Đường có thể đang cản trở khả năng học hỏi và ghi nhớ của con bạn
- Đường gây nghiện
Tiến sĩ Serge Ahmed ở Bordeaux, Pháp, đã làm thí nghiệm trên chuột và cho chúng lựa chọn giữa cocaine và đường. Đoán xem ai thắng?
Hết lần này đến lần khác, đó là đường!
Nó có nghĩa rằng hương vị ngọt ngào của đường hấp dẫn hơn so với cocaine. Đường tạo ra dopamine – một hóa chất hạnh phúc trong não. Nó lí giải tại sao lượng đường mà nhân loại đang tiêu thụ càng ngày càng tăng đáng kể theo thời gian.
CHA MẸ CẦN PHẢI LÀM GÌ?
- Không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn đường ra khỏi chế độ ăn của bé. Nhưng việc cho trẻ những món ăn, đồ uống có đường nên chỉ dành cho những dịp khó tránh như sinh nhật, liên hoan… và vẫn cần kiểm soát nghiêm ngặt.
- Bao nhiêu đường là đủ: Các hướng dẫn mới yêu cầu ít hơn 25 gram đường (dưới 6 muỗng cà phê) mỗi ngày cho trẻ em từ 2 đến 18 tuổi. Và trẻ em dưới 2 tuổi không nên bổ sung chút đường nào.
- Thay thế hợp lý: hãy thêm các thực phẩm ngọt tự nhiên vào chế độ ăn uống hàng . Các loại rau củ ngọt, như khoai lang, cà rốt, bí ngô rất giàu chất dinh dưỡng. Thay vì uống nước ép hoa quả, hãy ăn hoa quả để giữ được chất xơ. Hầu hết các loại nước ép trái cây đều chứa đường. Một ly nước cam có thể chứa hàm lượng đường của 2- 3 quả cam mới vắt. Nhưng bé khó có thể ăn một lúc được 2- 3 quả cam vì lượng chất xơ không nhỏ.
- Đọc nhãn thực phẩm trước khi mua: Hãy tránh xa những loại đường trắng, đường nâu, đường Agave và tất cả những chất tạo ngọt như: HFCS (xiro ngô), Aspartame/ Amino sweet, Sacralose hay Sacharin. Bạn có thể lấy vị ngọt từ mật ong chưa tiệt trùng, đường Stevia, mật mía, xylitol, đường dừa.
Bạn nghĩ rằng mình không bao giờ cho con ăn những thìa đường trắng. Nhưng nó lại được giấu trong hầu hết các thực phẩm chế biến ( kể cả bim bim, ngũ cốc ăn liền,nước hoa quả đóng chai…). Ở Việt Nam, những món ăn “ngọt ngào” này vô cùng phong phú về hình thức và giá cả. Hãy dừng lại những thói quen tặng thưởng những món ăn, đồ uống chứa đường, hoặc để dụ dỗ, hoặc để vui lòng con trẻ. Trẻ con thì không tự chọn được cho mình một chế độ dinh dưỡng cân bằng. Nhưng người lớn thì có thể và phải làm ngay bây giờ.
Quý trường đăng ký
trải nghiệm