Các bố mẹ hãy cùng KidsOnline đọc chia sẻ về kinh nghiệm chọn trường mầm non tuyệt vời của Chuyên gia tâm lý – giáo dục, Th.s Hoàng Anh, mẹ của bé Kapi đáng yêu nhé ^^
Bạn cũng phải nhìn cách cô quản lý lớp nữa. Có lần mình đến 1 trường nói là Montessori mà nhìn vào circle time mà trẻ chạy lộn xộn, có bé còn chạy ra khỏi lớp lên cầu thang, cô thì giải thích với mình là ở đây để trẻ tự do, không có ép buộc trẻ điều gì, mình thì cho rằng đó là do cô quản lý lớp không tốt. Tự do cũng phải có khuôn khổ và kỷ luật, quan trọng nhất là tự do nhưng vẫn cần sự an toàn (tự nhiên chạy ra khỏi lớp không có ai trông như thế đâu có an toàn) và phải tôn trọng người khác (trong khi các bạn ngồi trật tự lắng nghe cô thì có bạn nhảy tưng tưng như thế là ảnh hưởng đến sự tập trung của bạn khác). Nhất là giờ Circle time của Mon, đó chính là thời gian quý giá trong ngày trẻ học sự kỷ luật và tôn trọng người khác. Cho nên nhìn cái mình đã thấy cô giáo này chưa đủ “cứng” và cũng chưa hiểu hết về Montessori. Tất nhiên trường đó cũng loại ^.^
Nhìn một cô giáo “cứng” bạn sẽ thấy ngay, cô tạo được kỷ luật và không khí “trang nghiêm” cần thiết của 1 giờ circle time, nhưng vẫn rất vui vẻ, hòa nhã, vẫn tôn trọng trẻ. Ở trường mình làm việc ý, thậm chí nếu bạn nào đi học muộn mà đến đúng giờ circle time thì cô hiệu trưởng phải dắt đi vòng vòng ở sân, hết giờ circle time mới đc vào để không làm ảnh hưởng đến bạn khác. Kỷ luật rất cao chứ không phải tùy tiện chạy nhảy như vậy đâu. Nhiều khi phụ huynh mình bị ám ảnh về việc con bị “ép” quá, nên cứ thấy trường quảng cáo là “để con phát triển tự nhiên”, “tự do” với “không ép buộc”, nghe thì có vẻ hấp dẫn, nhưng phải xem xem là do họ có thực sự hiểu về “tự do” hay do họ không quản được, để kệ con bạn thích làm gì thì làm.
Nhưng có trường mình vào, chắc do trẻ đông quá, nên lại có phong cách rất “công nghiệp” thế này. Bữa đó mình đến đúng giờ ăn (thì có bài rồi mà, đúng 3 khung giờ: sáng đến lớp, trưa ăn trưa, và chiều chuẩn bị ra về, nếu trường Montessori thì là circle time nữa là đến ngó nghiêng xem thế nào). Ở trường đó các cô có hẳn 1 cái cân, định lượng từng bát một, bao nhiêu gram cơm, thịt, canh, cân từng bát một luôn. Sau đó 1 cô bế nhóm 5-7 bé một vào bàn ngồi ăn, còn 1 cô ngồi sẵn ở đó, đeo khẩu trang, đút cơm nhóm đó, ăn xong lại cô khác bế nhóm đó ra 1 góc ngồi, tiếp đến nhóm khác… như 1 dây chuyền nuôi gà công nghiệp luôn. Mình choáng lắm. Các cô giải thích là đeo khẩu trang vậy cho sạch sẽ, đỡ vi khuẩn, và giờ ăn thành quy trình chuẩn như vậy rồi, các bé ăn ngoan, tăng cân đều (=)) nghe như tả nuôi gà). Trường đó nổi tiếng ở Sài Gòn đấy, waiting list dài, và không hề rẻ nhé, không biết giờ thế nào chứ mấy năm trước thì là vậy. Tất nhiên mỗi trường mỗi phong cách và quan điểm, cái gì cũng có ưu thế và nhược điểm, tính mình thích tình cảm, thể hiện yêu thương nên trường kỷ luật quá, quy trình chuẩn như thế mình cũng không ưng. Nhưng nhiều gia đình thì lại ưng, vì đúng như họ nói, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và bé ăn được tăng cân đều, chuẩn dinh dưỡng. Đấy là trường duy nhất mình được thấy có quy trình cân từng bát cơm một.
Nếu có thể, bạn cũng nên đến vào cuối ngày nữa, để xem lúc đó cô còn năng lượng không. Nếu quản lý lớp không tốt, không yêu trẻ, không có lòng nhiệt tình, thì cuối ngày chắc cô đơ như con cá cơ luôn. Như lớp của Kapi bây giờ, cuối ngày mình đến, nhìn các cô phờ phạc, đầu bù tóc rối (cũng như mình cuối ngày thôi) nhưng vẫn toát lên sự vui vẻ, nhẹ nhõm. Giống như bạn làm việc gì bạn yêu ý, thì dù mệt vẫn thấy vui, đúng không? Các cô cũng vậy thôi.
Nhóm tiếp theo mình quan sát là trẻ, bạn bè của con mình ý. Lợi thế của một trường nhỏ là trẻ rất tập trung và tương đồng, vì thường là trẻ con quanh khu đó đến gửi thôi. Như trường đầu tiên của Kapi, ở trong khu chung cư luôn nên 90% trẻ là dân chung cư đó luôn ^.^ rất đồng đều. Bạn đừng đánh giá thấp điều này nhé. Jacqueline Kennedy, vợ của Tổng thống Kennedy, phu nhân tổng thống ăn mặc thời trang nhất mọi thời đại vốn sinh ra trong một gia đình trung lưu. Hồi đó Mỹ phân cấp rất mạnh, bố mẹ bà đã cắn răng, đầu tư tiền cho con học trường thượng lưu với mong muốn bước được 1 chân vào giới thượng lưu. Và bạn thấy kết quả rồi đó. Như bản thân mình, giờ vẫn có những người bạn chơi từ hồi mẫu giáo, từ hồi cấp 2, cho nên đó không chỉ là bạn của con mình bây giờ, mà có thể là bạn của con mình suốt đời đấy, khéo dâu, rể của mình cũng ở trong đó đấy, phải quan sát xem thế nào chứ. Thường mình nhìn tổng thể, xem mặt bằng chung trẻ con ở đấy thế nào? Không nói đến hoàn cảnh gia đình mà xem các bé có ngoan không? Vui vẻ hòa nhã không? Có được gia đình quan tâm không? Có đồng đều không hay cách biệt nhau nhiều? Trẻ có tự tin và thân thiện với bạn bè và khách đến lớp không? Đại khái trong một thời gian ngắn, bạn chỉ có thể “đảo qua” một vòng vậy thôi, do mình đi quá nhiều trường rồi, nên cảm nhận rất nhanh.
Và quan trọng hết là từ TRƯỚC KHI ĐI xem trường, mình đã có mục tiêu rõ ràng là mình cần 1 trường như thế nào? Mình đến trường phải quan sát những gì, phải nói gì, hỏi cái gì rồi nên mình “soi” rất nhanh.
Nhóm cuối cùng là bảo vệ, cô bếp, lao công… Trường tớ làm cũ ý, có lần bà sếp phỏng vấn tìm bảo vệ, nhưng loại 1 người chỉ vì anh đó quá béo. Tất nhiên bà sếp không nói lý do đó với anh ý, mà chỉ nói với mình. Bởi bà nói bảo vệ là người đầu tiên phụ huynh gặp, nếu để người quá béo thế này, người ta dễ nghĩ trường coi nhẹ vấn đề dinh dưỡng và hình thức, Tây họ sợ béo lắm, vì họ dễ béo. Nói để thấy người ta quan sát kỹ và nhạy cảm như thế nào. Tớ thì không đến mức đó, nhưng cũng phải nhìn xem bảo vệ trường có niềm nở không, có yêu trẻ không, nhất là giờ bắt cóc trẻ con nhiều như thế, bảo vệ là quan trọng lắm. Như trường đầu tiên của Kapi thì nhỏ quá nên không có bảo vệ, còn trường bây giờ bảo vệ dễ thương lắm, lần nào mình và Kapi đến cũng tươi cười chào, còn nhớ cả tên Kapi, còn hỏi thăm, trêu đùa Kapi là hôm nay được mẹ đưa đi học, sướng quá (vì bình thường con đi xe bus, lâu lâu mới được mẹ đưa đi học được thôi). Thế là ưng rồi đó.
Cô bếp thì mình chọn trường cũng phải để ý xem trường tự nấu đồ ăn cho con hay thuê ngoài. Trường nào thuê dịch vụ mang đồ ăn đến mình cũng loại luôn. Có vụ scandal của Maple Bear, trường quốc tế Canada gì đâu mà cho con ăn cơm công nghiệp dởm đó, nên mình sợ lắm. Thuê ngoài chả kiểm soát được, mình còn phải đi vòng vòng xem bếp của trường thế nào, cô đầu bếp trông thế nào ý. Con mình ăn hàng ngày mà. Nếu trường mình đã ưng ưng rồi, mình tính cẩn thận nên còn lân la hỏi lao công, phục vụ xem ở đây quy trình nấu ăn thế nào nữa ý. Không lỡ họ trưng ra cho mình xem là họ nấu, nhưng khéo chỉ nấu cho cô, còn cơm của con thì mua bên ngoài ý (có trường như thế đấy), nên cứ cẩn thận, chắc cú.
Tất cả những cái đó giống như “tiền kiểm” ý, bạn kiểm soát được lúc đầu không có nghĩa là sau không có rủi ro nhưng rủi ro cũng được giảm đi rất nhiều rồi. Mình kỹ vậy mà Kapi đi học vẫn có mấy vụ chứ không phải không. Nhưng mình tin nhà trường nên xử lý cũng đơn giản, nhẹ nhàng thôi. Trẻ con mà, sao mà tránh khỏi.
Cuối cùng, việc chọn trường phụ thuộc rất nhiều vào mục đích, kỳ vọng vài tài chính của mỗi gia đình. Như mình chọn trường cho Kapi từ đầu có tiêu chí rất rõ ràng. Trường đầu tiên của Kapi, lúc đó bé mới 19 tháng, nên tiêu chí quan trọng nhất là GẦN NHÀ, 2 mẹ con mình đều lười, không ai thích dậy sớm cả. Hồi đó ở Sài Gòn cũng có trường tốt lắm mà hơi xa nhà nên không chọn được. 2 mẹ con chọn luôn trường trong khu chung cư nên rất sướng, sáng ra có khi 8h mới thèm bình minh.
Tiêu chí thứ 2 là mình cần các cô yêu con, chăm con tốt, không quá đề cao việc “dạy” vì mình tự tin có thể dạy Kapi được. Trường đó cũng đạt luôn vì mới mở, 4 cô mà mới có 7 trẻ thôi. Thích lắm. Trường mới, lại được hưởng cơ sở chung của chung cư (bể bơi, sân chơi, cây cảnh) nên rất thích.
Đấy là 2 tiêu chí quan trọng nhất với mình, sau đó mới đến triết lý giáo dục chung của trường, môi trường, bạn bè, tài chính nữa.….
Còn trường thứ 2 của Kapi là lúc con chuyển ra Hà Nội, cũng tương tự, mình chọn trường gần nhà, cô yêu trẻ, nhưng giờ sau khi làm ở trường mầm non quốc tế, mình trở nên quá khó tính, nên tìm trường mình ưng, đáp ứng đủ tiêu chuẩn như trên mà vẫn phù hợp tài chính là khá khó khăn.
Nhiều người có tư tưởng cho con “học thử”, học không được rồi chuyển trường. Suy nghĩ như vậy rất ảnh hưởng đến trẻ. Vì trẻ ko phải là 1 gói hàng, bạn pack lại, gửi đi đâu thì gửi. Trường học như mái nhà thứ hai của trẻ, trẻ mới quen trường, quen cô, quen bạn mà bạn chuyển đi rất ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của trẻ. Nên một lý do mình chọn trường kỹ như vậy là mình không hề muốn chuyển trường cho con.
Vài điều về chọn trường mầm non mình chia sẻ theo kinh nghiệm và quan sát như vậy.
Chúc các bạn luôn vui vẻ và chọn được trường mầm non ưng ý.
With love,
Hoàng Anh – Kapi
ĐỌC THÊM:
Chọn trường mầm non như thế nào (Phần 1)
Quý trường đăng ký
trải nghiệm